
Lớp xóa mù chữ ở Phặc Chè
Dù đã quá giờ lên lớp, nhưng lớp học xóa mù tại Nhà văn hóa thôn Phặc Chè, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu vẫn chưa thể bắt đầu. Học viên của lớp chủ yếu là bà con người Dao, Sán Chỉ, độ tuổi từ 28 đến 60 và đa phần là lao động chính trong các gia đình.
Cô giáo Nông Thị Lan cho biết, ngoài tuổi tác, không ít học viên nói tiếng phổ thông chưa thạo. "Tôi là người Tày nên khi dạy cũng cố gắng học tiếng nói của người Dao, Sán Chỉ để dạy họ cho dễ hiểu. Nhưng cũng chỉ học được những từ đơn giản như từ đọc - là "tủ"; viết là "vá" để tôi và học viên có thể hiểu nhau và tiếp thu nhanh hơn".
Cô giáo uốn nắn từng con chữ
Lớp xóa mù chữ ở Phặc Chè, xã Hoành Mô được mở vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6. Sau 9 tháng, học viên sẽ được cấp chứng chỉ xóa mù chữ khi vượt qua các bài kiểm tra theo quy định. Những bàn tay thô ráp vốn quen với con dao, cái cuốc nay nắn nót từng con chữ với mong muốn viết và đọc thành thạo tiếng phổ thông, để biết nhiều hơn, để học hỏi thêm cách làm ăn kinh tế, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.
Hai vợ chồng anh Dương A Chíu (37 tuổi) và vợ Trần Thị Chạu (36 tuổi) đều là người Sán Chỉ ngượng nghịu chia sẻ, anh chị có 3 đứa con, lớn nhất đã học lớp 12, cháu nhỏ cũng đã vào lớp 1. Hiện đang là vụ thu hoạch hoa hồi bận rộn nhưng anh chị vẫn cố gắng tới lớp.
Lớp có khoảng 20 người chủ yếu là người Dao, Sán Chỉ ở những vùng điều kiện kinh tế khó khăn
"Hai vợ chồng rủ nhau đi học. Các con biết hết rồi nên phải đi học thôi. Khi biết chữ mình sẽ đọc được các xe đi Bình Liêu, Móng Cái hay Tiên Yên... Cũng khó nhưng mình vui lắm, phải quyết tâm".
Từ năm 2014 đến nay, huyện biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) đã triển khai được 96 lớp xóa mù chữ, cấp giấy chứng nhận cho 1.625 học viên, trong đó có 410 học viên hoàn thành chương trình xóa mù chữ mức độ 2 (tương đương lớp 4, 5).
Thành quả
Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết, Bình Liêu hiện huyện thuộc nhóm có tỷ lệ đồng bào DTTS trong độ tuổi 15 đến 60 không biết chữ cao nhất của tỉnh Quảng Ninh.
"Đa số người dân được phổ cập ở cấp độ 1 đã biết đọc biết viết nhất là khi họ có điện thoại để sử dụng cho cuộc sống hàng ngày. Một số người muốn học nâng cao trình độ và học thêm kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi nhưng thực tế học cũng có những khó khăn vì chủ yếu bà con là người dân tộc thiểu số. Riêng nói tiếng Việt đã khó khăn rồi để học thêm trình độ cao càng khó hơn. Chúng tôi cũng đề cao vai trò vận động của cấp ủy nhưng để xóa mù chữ thành công cũng cần sự nỗ lực từ chính người đi học nữa".
Xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Và những nỗ lực xóa mù chữ của các thầy cô giáo, của các huyện vùng cao ở Quảng Ninh đang giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, miền núi còn nhiều khó khăn.
Vũ Miền/CQTT Đông Bắc
Viết bình luận