
Vật thiêng của người Dao đỏ
Theo nghiên cứu của ông Trần Chí Nhân, Phó Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Hoàng Su Phì, người Dao đỏ có mặt ở Việt Nam cách đây khoảng 300 năm.
Bằng con đường biển, nhóm Dao đỏ ở Hoàng Su Phì, ở Xín Mần, Hà Giang có các họ Triệu, họ Đặng, họ Phàn được coi là những dòng họ gốc đã đến Móng Cái, Quảng Ninh rồi qua các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang lên Hoàng Su Phì, Xín Mần. Chặng đường thiên di này còn được nhắc đến chi tiết ở bài cúng trong lễ hội “Quyas hiéng” – hay còn gọi là lễ qua năm của người Dao đỏ, cũng như trong những bài cúng khác của người Dao.
Các lễ trọng của người Dao đỏ luôn treo tranh tam thanh
Người Dao dù ở đâu cũng nhận mình là con cháu của Bàn Vương, là thủy tổ của người Dao mà cho đến nay vẫn còn được thờ cúng tôn nghiêm trong mỗi gia đình và cộng đồng. Ở xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì thầy cúng Triệu Chòi Loàng còn giữ được một bảo vật mà người Dao đỏ nơi này coi đó là minh chứng cho nguồn gốc của người Dao.
"Hiện nay nhà ông Triệu Chòi Loàng ở xã Nậm Ty là thầy cúng và là người uy tín trong cộng đồng người Dao ở đây có một bộ 3 bức tượng người, trong đó có một bức là tượng ông Bàn Vương. Cũng tương truyền đời Vua Hùng Vũ thứ 40 khi ông Bàn Vương thủy tổ của người Dao mất trên cây gỗ gù hương trong buổi đi săn. Do đó, người ta coi đó là cây thiêng và họ cắt nhỏ cây đấy ra và để tạc thành các bức tượng chia cho các dòng tộc của người Dao. Hiện nay gia đình ông Triệu Chòi Loàng ở xã Nậm Ty vẫn giữ được, coi như vật thiêng và họ để trong cái hòm kín bảo quản rất tốt. Trong trường hợp đặc biệt khi cúng tế thì họ mới mang ra thôi". - Ông Nhân nói.
Ở Hoàng Su Phì, ngoài bộ tượng này, người Dao đỏ còn thờ một thanh kiếm dài khoảng 70 phân, có lưỡi là kim loại dày, với chuôi có dây bằng kim loại gắn vào tày cầm. Trong các dây kim loại ấy họ gắn rất nhiều đồng xu. Đây cũng là một bảo vật của người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì. Hiện gia đình ông Phàn Tà Khé ở xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì là chủ nhân của thanh kiếm này.
Lời răn dạy của tổ tiên trên trang phục
Người Dao đến Việt Nam bằng con đường biển. Theo các truyền thuyết của người Dao, đó là con đường đầy gian khổ, chông gai. Dấu vết thiên di ấy xuất hiện ở những bộ tranh tam thanh cũng như tranh thờ của người Dao đỏ - bộ tranh mà người Dao hay treo trong các nghi lễ trọng đại của mình.
"Trong bộ tranh tam thanh cũng như tranh thờ của người Dao nó có một số dấu vết như người chèo thuyền, hình sóng biển trên trang phục của một số nhân vật trong bức tranh đấy. Theo truyền thuyết của các nghệ nhân người Dao kể lại đấy là thể hiện quá trình vượt biển, mà đây là một trong những quá trình khó khăn nhất, làm hao tổn sức lực, sức người, sức của nhiều nhất đối với các gia đình người Dao khi vượt biển định cư ở Việt Nam".
Sắc màu trang phục của người phụ nữ Dao đỏ
Ngắm nhìn bộ trang phục của người phụ nữ Dao đỏ, bạn sẽ phải trầm trồ bởi vẻ rực rỡ của sắc đỏ với những hoa văn thật cầu kỳ. Những hoa văn chân chó, hoa văn hình sóng nước nối liền nhau. Anh Trần Chí Nhân, Phó Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Hoàng Su Phì nói, không phải tự nhiên các thế hệ người Dao đỏ lại thêu những hoa văn đó trên trang phục của mình. Đó là lời nhắc nhở con cháu về nguồn cội, về quá khứ của tổ tiên.
Với phụ nữ người Dao, một trong những tiêu chí đánh giá đầu tiên người đó có khéo léo, tài giỏi hay không chính thể hiện ở bộ trang phục. Trước khi người con gái về nhà chồng, họ sẽ được người mẹ truyền dạy cho kỹ năng thêu thùa bộ trang phục. Vì vậy, những ký tự hoa văn trên bộ trang phục ấy đều được bố mẹ hướng dẫn tỉ mỉ.
"Ví dụ, hình vết chân con chó nó gợi nhớ về tổ tiên theo quan niệm của người Dao. Thủy tổ của người Dao là ông Bàn Vương, có nguồn gốc là con long khuyển, là con vật thân rồng, mình chó. Dạy cho người Dao nhớ về cội nguồn của người ta. Ngoài ra cây thông, cây tùng nó mô tả cuộc sống nương rẫy cuộc sống ngày xưa của người Dao. Cũng như một số họa tiết khác nó thể hiện các loại động vật, các con vật, các cỏ cây hoa lá gắn bó với đời sống hằng ngày của người Dao thể hiện trên các hoa văn như vậy".
Ruộng bậc thang - di sản quý báu của tổ tiên
Đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín, bạn sẽ phải choáng ngợp bởi tầng tầng, lớp lớp những con sóng vàng của các ruộng bậc thang. Có người còn ví những những thửa ruộng nơi đây như chiếc lược vàng cài trên mái đầu thôn nữ. Đó là di sản quý báu mà người Dao, người Nùng, người La Chí nơi đây truyền đời cho con cháu.
Khu vực ruộng bậc thang có cảnh quan đẹp nhất của huyện Hoàng Su Phì nằm vào địa phận hai thôn: thôn Nậm Lỳ xã bản Luốc và thôn Lủng Dăm xã Sán Sả Hồ. Nó không những có giá trị đặc sắc về cảnh quan mà hơn thế nó còn mang giá trị minh chứng cho lịch sử tồn tại và phát triển của cộng đồng người tại đây. Người Dao thường sinh sống trên các sườn đồi. Họ có nhiều kinh nghiệm quý trong việc canh tác ruộng bậc thang.
Thửa ruộng bậc thang của gia đình nhà anh Vương Văn Khoàng ở thôn Bản Luốc, xã Bản Luốc có tới 15 – 20 bậc. Khoảng ruộng này ước chừng cũng đến trăm tuổi.
"Xưa nay, ruộng bậc thang vốn là tài sản quý giá nhất từ ông cha để lại rồi, mà hiện nay được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia. Đây là một điều rất vinh dự. Để giá trị ruộng bậc thang này ngày càng được nâng lên, đối với tôi, toàn bộ diện tích đất lúa sẽ tuyệt đối không chuyển mục đích sử dụng. Sẽ tuyên truyền cho con cháu hằng năm cũng phải có tu sửa, bảo dưỡng". - Anh Khoàng nói.
Để có một bãi ruộng đẹp, trước tiên bà con phải khảo sát địa hình đồi núi, chọn nơi đất bằng phẳng thì sẽ có những thửa ruộng đẹp. Và quan trọng nhất là nơi ấy phải đào được mương nước.
Sau khi tìm được nơi bắc máng nước rồi, người Dao sẽ tiến hành làm thửa ruộng đầu tiên. Bãi ruộng bậc thang đẹp hay xấu là phụ thuộc vào thửa ruộng đầu tiên này. Và đây là công việc khó khăn nhất, nó đòi hỏi phải bằng phẳng, nước đều. Độ nông sâu của ruộng không được chỗ lồi, chỗ lõm. Nhưng chỉ bằng bàn tay và khối óc, với những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, bừa… những kiến trúc sư nông dân tài hoa đã kiến tạo nên những thửa ruộng kỳ vĩ. Từ một tư liệu sản xuất của nhà nông, ruộng bậc thang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Được biết, ở Hoàng Su Phì có khoảng trên 3600ha ruộng bậc thang, trải đều trên 25 xã, thị trấn của huyện. Mùa nước đổ tháng 4 và mùa lúa chín tháng 10 là những thời điểm ruộng bậc thang đẹp nhất, kỳ vĩ nhất, thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm.
Sản phẩm thu hoạch từ ruộng bậc thang không chỉ có gạo sạch ngon cơm. Người dân nơi đây còn biết tận dụng chân ruộng để thả cá chép. Có chân ruộng quỹ đất còn nhiều, bà con đem giống chè san tuyết vào trồng, vừa chống xói mòn, vừa tạo cảnh quan phát triển du lịch, lại vừa có thêm một đặc sản nổi tiếng trở thành hàng hóa.
Nếu một lần được ngắm nhìn những chân ruộng bậc thang trải dài ra mênh mông khắp sườn đồi, được trải nghiệm bắt cá chép ruộng hay thưởng chè san tuyết do chính người bản địa ủ, bạn sẽ cảm nhận được sự cần cù, chịu khó, nhẫn nại và khả năng chế ngự thiên nhiên của con người nơi đây.
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận